Nhìn vào một tác phẩm tranh sơn mài Việt, ta có thể thấy đó như hội tụ của triết lý phương Đông. Ngũ hành phương Đông có Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Sơn mài viện Thổ, tức là cây sơn và cần những loại đất phù sa tinh khiết ở sông Hồng để làm đều vóc, lại vẽ trên nền gỗ, tức là Mộc. Sơn mài đòi hỏi sự mài liên tục dưới nền nước, lại chỉ có thể khô khi trời rất ẩm, đấy là Thuỷ. Và để bù đắp cho sự thiếu thốn về màu sơn tự nhiên từ cây sơn mài, các thế hệ nghệ nhân đã nghĩ ra những giải pháp từ tự nhiên: đó là thếp vàng, thếp bạc (Kim) và ốp vỏ trứng nướng vào (Hoả). Chính sự hài hoà cùng thiên nhiên đó đã đem đến một vẻ đẹp thâm trầm sâu sắc, đòi hỏi cái nhìn tinh tế của người xem. Trong các chất liệu thuần thiên nhiên ấy, vỏ ốc, vỏ trai mang lại một sắc thái độc đáo bởi những gam màu hologram lấp lánh. Việc biến một chất liệu thô – cứng trở thành mềm mại, tinh tế của các loại vỏ trai, ốc cũng đã phản ánh sự tỉ mỉ và công phu của dòng tranh độc đáo này.

Chất liệu khảm thông thường được lấy từ trai, ốc xà cừ, khổng…sau đó mài nhẵn. Trước tiên, người thợ xẻ ốc theo ba đường gân nổi của xương ốc, lọc bỏ lớp ngoài và lớp trong, lấy lớp tinh khiết ở giữa và ép phẳng bằng bàn là nóng. Sau khi có được lớp vỏ tinh khiết với màu sắc lung linh ấy, người ta sẽ vẽ hình và cắt tỉa để có được hình dạng ưng ý, có thể kết hợp với chạm khắc nữa để tả nét và mảng hình. Tranh khảm ở Việt Nam sẽ có sự tinh tế bởi được làm từ những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít. Việc lựa chọn vỏ trai, vỏ ốc, hay vỏ hến cho phù hợp với sản phẩm sắp làm ra cũng là một khâu rất quan trọng. Vỏ trai có nhiều loại: trai cánh mảnh nhỏ, sẫm màu; trai thịt trắng, vỏ mình dầy; trai Nông Cống (Thanh Hóa) có nhiều vân. Ốc biển phải là ốc xà cừ, có nhiều ở vùng biển Quy Nhơn, Quảng Nam Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… Ngoài ra, còn có một thứ vỏ trai đặc biệt gọi là Cửu Khổng (vì có 9 lỗ vỏ ở phía mép vỏ), có vân màu sắc phong phú hơn mầu cầu vồng…

Ốc xà cừ có màu sắc tự nhiên lấp lánh, thường được sử dụng làm các chi tiết quan trọng để tạo điểm nhấn và nổi bật của sản phẩm. Giá trị của một sản phẩm Tranh khảm trai đôi khi được đánh giá bằng mức độ sử dụng ốc đỏ nhiều hay ít bởi chất liệu ốc khảm có 3-4 loại màu khác nhau giá trị khác nhau: ốc xanh, ốc hồng, ốc đỏ, đặc biệt ốc đỏ vàng tranh là đắt nhất. Hiện nay, do nguồn nguyên liệu ốc xà cừ của Việt Nam rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng nên chủ yếu ốc được nhập từ Hồng Kong, Singapore, Mỹ… Giá trị một lạng ốc đẹp lên đến vài chục triệu đồng.

Trai, xác, cửu khổng, ngọc nữ, xác biển, bào ngư… cần chọn những con dày, có màu sắc rực rỡ, đẹp cũng là những nguyên liệu quan trọng để phân màu làm nên nghệ thuật khảm trai phong phú về màu sắc và nghệ thuật của sản phẩm. Lựa chọn màu sắc trong quá trình chế tác xà cừ là một bước rất quan trọng, bởi màu sắc và độ bóng của vỏ ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ đẹp và hiệu ứng thị giác của tác phẩm cuối cùng.

Một số yếu tố chính trong việc lựa chọn màu sắc của nghề thủ công xà cừ có thể kể đến là lựa chọn màu sắc, họa tiết, phối màu, độ bóng và kết cấu…Vỏ ốc xà cừ và vỏ khổng thường có màu xanh lục, xanh lam và tím óng ánh. Vỏ trai màu trắng: Nó có ánh trắng bạc, đôi khi có màu vàng nhạt, hồng hoặc xanh lục. Vỏ khổng: có ánh xanh lam hoặc lục lam. Khi lựa chọn vỏ ốc cần chú ý đến màu sắc và độ tương phản: Chọn màu bổ sung hoặc tương phản có thể làm cho họa tiết bắt mắt và nổi bật hơn. Phối hợp màu sắc: Chọn vỏ sò có màu tương tự hoặc cùng màu có thể làm cho hiệu ứng tổng thể hài hòa và thống nhất hơn. Các nền văn hóa và phong cách nghệ thuật khác nhau có sở thích về màu sắc khác nhau. Ví dụ, nghề thủ công xà cừ truyền thống của Trung Quốc, Việt Nam thích sự kết hợp giữa màu đỏ và vàng, trong khi nghề thủ công xà cừ Nhật Bản có thể thích sử dụng tông màu tự nhiên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *